Mỗi ngày các đơn vị sản xuất thực phẩm đều có 1 lượng dư rất lớn không tiêu thụ hết. Thay vì sự lãng phí hay dùng hóa chất, phòng lạnh để lưu trữ thì có thể góp vào ngân hàng thực phẩm để chế biến thành các món ăn đưa đến cho người nghèo.
Ngày 20/1, tại TPHCM, Hội đồng bảo trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VCRC) và Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam (YSW) đã cho ra mắt dự án Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam.
Theo ban tổ chức, mô hình Foodbank đã có từ lâu trên thế giới và phát triển rất mạnh ở các nước châu Âu. Thông thường, Food Bank được xây dựng như một kho lưu trữ thực phẩm, các nguồn thực phẩm này được kêu gọi đóng góp và phần lớn là thu gom từ nguồn dư thừa trong xã hội nhưng vẫn trong tình trạng tốt để sử dụng. Kho thực phẩm này sẽ được chuyển đến những người cần nó.
Theo thống kê của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy khoảng 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, gây thiệt hại đến 940 tỉ USD/năm. Một điều nghịch lý là cho dù nhiều thức ăn bị lãng phí nhưng vẫn có đến 800 triệu người trên thế giới đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm.
Từ nghịch lý này, các nhà hoạt động xã hội Mỹ đã xây dựng nên mô hình Food Bank đầu tiên vào năm 1967. Từ đó đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra các nước như Úc, Đức, Anh, Pháp, Singapore, Hong Kong.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi – Phó chủ tịch thường trực VCRC cho biết: “Một khảo sát do Electrolux thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình trải dài trên 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm trong khu vực, chỉ xếp sau Trung Quốc. Trước thực trạng này, Foodbank Việt Nam ra đời”.
“Chúng tôi xây dựng Foodbank Việt Nam xuất phát điểm một dự án thiện nguyện phân phát, hỗ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho người vô gia cư; trại trẻ mồ côi, người khuyết tật, đối tượng khó khăn ở miền núi, vùng sâu vùng xa… để giúp họ cải thiện bữa ăn, tiết kiệm được một phần chi phí trong cuộc sống và hỗ trợ các tổ chức tình nguyện khác trong các hoạt động nấu phát thức ăn tại bệnh viện, trung tâm, mái ấm”, ông Khởi cho biết thêm.
Ban đầu, Foodbank Việt Nam sẽ kêu gọi các đơn vị sản xuất, phân phối thực phẩm cung cấp các nguồn thực phẩm mà họ tiêu thụ không hết trong ngày để Foodbank Việt Nam chuyển đến các cơ sở dưỡng lão, mái ấm, nhà mở, cung cấp các suất ăn miễn phí cho người vô gia cư…
Sau đó, các tình nguyện viên của Foodbank Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, vận động các tổ chức, đơn vị (nhà hàng, quán ăn, các hộ nông dân…) ký cam kết sử dụng tiết kiệm thực phẩm, hỗ trợ thực phẩm, bán trợ giá cho người khó khăn và tạo thói quen tiết kiệm chống lãng phí thực phẩm cho mọi người. Và xa hơn là thành lập 1 tổ chức đủ mạnh với hệ thống kho bãi đầy đủ để thực hiện mua các loại nông sản trong thời điểm dư cung để giúp người nông dân không bị ép giá, đưa nguồn thực phẩm này đến các nơi cần nó.
Theo ông Khởi, hiện nguồn thực phẩm cho những hoạt động ban đầu của Foodbank Việt Nam được hỗ trợ bởi Chuỗi cửa hàng thịt heo sạch Porkpork, Công ty TNHH DSF Việt Nam và Công ty C.P. Việt Nam. Ông hy vọng trong thời gian không xa, mô hình này sẽ được nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm khác tham gia, nhân rộng khắp cả nước với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Ông Chinoros Benjachavakul – Phó tổng giám đốc C.P. Việt Nam, đánh giá: “Đây là một chương trình rất ý nghĩa, hướng đến việc giải quyết vấn đề thiếu thốn nguồn thực phẩm ở những người yếu thế trong xã hội, xa hơn nữa đó là xây dựng ý thức trong cộng đồng về việc chống lãng phí thức ăn. Có thể nói Foodbank Việt Nam chính là dự án bền vững nhằm điều phối nguồn lương thực, thực phẩm trong xã hội, tránh việc dư thừa thức ăn ở nhiều nơi nhưng lại thiếu thức ăn cho những nơi còn khó khăn, kém phát triển”.
Ngay trong ngày ra mắt Foodbank Việt Nam, các tình nguyện viên mang màu áo xanh đã tham gia nấu 500 suất ăn cho trẻ em và cán bộ nhân viên tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Đến tối, Đội tình nguyện Foodbank Việt Nam nấu 100 suất cháo thịt đi phân phát cho người vô gia cư đang sinh sống lang thang trên vỉa hè, gầm cầu và người nghèo mưu sinh đêm ở TPHCM.
Tùng Nguyên
Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/ra-mat-ngan-hang-thuc-pham-cho-nguoi-ngheo-20180121112559088.htm
Tìm hiểu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tại: https://tieuchuansanpham.com/giay-chung-nhan-ve-sinh-an-toan-thuc-pham